PHAO-LÔ

Hãy nhìn nhân vật đó kĩ hơn. Phao-lô ra đời với tên Sao-lô vào khoảng năm thứ 10 sau công nguyên và tiếp nhận từ cha mình truyền thống gia đình pha-ri-sêu nghiêm nhặt. Nghĩa là trong ông sôi sục hận thù và chém giết những tín hữu ki-tô đầu tiên – cho tới khi gặp được tia sáng trên đường săn người gần Đa-mát, và đã trở lại đạo với tên Phao-lô. Tiếp đó, ông vào sa mạc, một mình chuẩn bị cho công cuộc phục vụ mới. Chính ông cũng chẳng hiểu ra được cái bí mật khiến ông trở thành “thầy dạy cho dân ngoại”, như ông đã viết.

Quả có gì lạ lùng trong đó. Thật ra ngài là một tay Pha-ri-sêu say mê và cực đoan. Thái độ cuồng tín đó phù hợp với lòng đạo rực lửa của ngài. Chữ ‘cuồng tín’ đóng một vai trò lớn trong truyền thống Cựu Ước. Từ “Zelot”, có nghĩa là cuồng tín, cũng mang nội dung đặc biệt trong thời  Đức Giê-su. Phao-lô là một kẻ cuồng tín như thế - và đã được cải tà qui chính bởi tiếng gọi của  Đấng Phục Sinh.

Từ trong làn ánh sáng đó Phao-lô giờ đây nghe  Đấng Phục Sinh nói với mình. Bởi thế, ngài dám nói rằng, chính mình đã gặp đấng đó thêm một lần nữa, rằng chính đấng đó đã gọi và ra lệnh cho mình. Và cũng vì vậy mà ngài cảm thấy ngang hàng với mười hai tông đồ kia. Rõ ràng ngay từ đầu, ngài đã nhận ra sứ mạng rao giảng cho dân ngoại của mình. Với Phao-lô, chúng ta thật sự có được một nhân vật kiệt xuất phục vụ  Đức Giê-su Ki-tô, mà nếu không, hẳn chúng ta đã không thể nói cho lương dân hay biết về Giáo Hội được.

Phao-lô lặn lội từ đất này qua đất khác, nhưng không phải luôn may mắn với số phận. Ngài đã ghi lại : “Từ thành này sang thành khác, chỉ điều này Chúa Thánh Linh làm chứng cho tôi, là xiềng xích và tai hoạ đang chờ tôi”. Ngài bị tống ngục, bị đắm tàu giữa biển, cuối cùng lội bộ được tới Rô-ma và bị hoàng đế Nero chém đầu năm 67. Ngài phải là một tay hay cãi. Có lần một thầy cả thượng tế than : “Tay này là một nạn dịch”. Và ngài đã thoải mái bốp chát lại : “Này bức tường giả hình kia, Chúa sẽ đánh ngươi”.

Nhưng rồi ngài lại làm chuyện lạ lùng, người ta dùng khăn lau của ngài để chữa lành bệnh. Có lần ngài cạo trọc đầu vì một lời hứa. Lần khác ngài bực dọc ra lệnh cho thần bói toán rời khỏi người đàn bà vẫn dai dẳng đi theo ngài suốt ngày. Sau đó thì ngài bị tù, chuyện chả có gì là khó hiểu. Những người chủ cũ của bà kia buồn so, vì họ chẳng còn có được lời bói toán nào nữa.

Anh muốn nói đến cuộc đời phiêu lưu của vị thừa sai nổi tiếng kia. Các thư của ngài không phải là những luân thư được viết với đắn đo, nhưng chúng thể hiện cá tính rực lửa của ngài. Các thư đó phản ảnh toàn bộ nỗi đam mê khổ đau của một con người dấn thân. Chúng cũng cho ta biết những gì đã xẩy đến cho ngài : bị quẳng cho thú vồ trong thao trường, bị tống ngục, nhiều lần bị hình phạt do-thái đánh 40 trừ 1 roi, bị cướp trấn lột, bị đau khổ vì bạn bè và kẻ thù, bị đắm tàu lênh đênh trên biển, và còn nhiều thứ nữa. Thật khó có cuộc đời nào phiêu lưu và nhân bản hơn đời ngài.

Không phải Phao-lô bao giờ cũng được báo cáo đầy đủ. Khi tới Ê-phê-sô, ngài hỏi bà con ở đó : “Các bạn đã nhận Thánh Linh chưa ?” Họ trả lời : “Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói có một Chúa Thánh Linh”.

Dĩ nhiên ngài phải hỏi xem tình hình tín hữu địa phương, mỗi khi ngài tới một cộng đoàn nào đó. Xem ra, năng khiếu hạn chế của ngài không cho phép ngài làm được một số chuyện lớn. Ngài nói về chính mình : Các bạn cũng biết là tôi không có khiếu ăn nói, tôi không phải là nhà hùng biện ; và người ta thầm thì về tôi : “đọc thư thì tưởng ông ấy dữ, nhưng khi tới, thì thấy rất nhẹ nhàng”…

… có lần có người ngủ gục khi đang nghe ngài giảng….

… vâng, và người đó đã ngã qua cửa sổ. Đó là một chuyện. Ngài nói :”Tôi xuất hiện không với khả năng hùng biện lớn, nhưng với sức mạnh”. Ngài muốn nói với sức mạnh của  Đức Giê-su Ki-tô, sức mạnh đó cũng đã được thể hiện qua các phép lạ. Rõ ràng ngài đã được trao ban cho khả năng chứng tỏ đúng lúc về sự hiện diện của chính đấng quyền năng hơn, đó là  Đức Giê-su Ki-tô, và qua đó tự giới thiệu mình như là một kẻ thuộc về Ngài. Không phải năng khiếu riêng của Phao-lô đã tác động, nhưng chính sự thật mà ngài phục vụ đã tác động.

Nghe nói Phê-rô thường lấy thư Phao-lô làm dẫn chứng cho tông thư mình. Tương quan giữa hai vị ấy với nhau thế nào ?

Rõ ràng đã có những căng thẳng giữa hai vị. Trong Kinh Thánh có hai thư của Phê-rô. Nhưng các học giả không công nhận lá thư thứ hai là do ngài, mà do một ai đó thuộc trường phái phê-rô viết, thư này có niên đại rất trễ. Dù sao, thư đó muốn tiếp nối gia sản phê-rô một cách đặc biệt (và cũng vì thế mà Giáo Hội nhận vào danh sách quy điển). Thư thứ hai này đề cập tới hiện tượng lạm dụng của Phao-lô. Thư viết : Ông bạn Phao-lô của chúng ta viết nhiều, có chỗ rất khó hiểu – và cũng có chỗ ám chỉ sai. Và rồi Phê-rô cảnh giác, việc diễn nghĩa kinh sách cần phải đi theo đường lối của Giáo Hội. Thư đó một mặt cho thấy cử chỉ tôn trọng đối với Phao-lô, người được công nhận là thầy dạy lớn, mặt khác cũng cảnh cáo đừng lạm dụng hay hiểu sai Phao-lô.